15 tháng 1, 2021

Lương theo ngành đào tạo (2017-2018)

Đoàn đánh giá chất lượng giáo dục đại học của Trung tâm VNU-CEA, cùng với Hiệu trưởng TĐH Thăng Long Phan Huy Phú (đứng ở giữa, vị trí thứ tư từ bên trái)

Trường Đại Học Thăng Long nhận được giấy chứng nhận về chất lượng có sở giáo dục đại học vào giữa năm 2018. Để được như vậy, một điều mà  Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục (VNU-CEA) của Đại học Quốc Gia Hà Nội đã phải thực hiện là một cuộc khảo sát đối với toàn bộ 755 sinh viên của Trường Đại học Thăng Long đã tốt nghiệp vào năm 2017. Theo kết quả cuộc khảo sát đó, dựa vào 427 sinh viên đã phản hồi, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra Trường Đại học Thăng Long có việc làm trong vòng 1 năm đạt 93,7 %.

Chúng tôi đã phân tích tiếp kết quả cuộc khảo sát nói trên để đưa ra một số thông tin bổ sung có ích nhằm giúp sinh viên trong định hướng nghề nghiệp. 

Tuy nhiên, chúng tôi xin nhắc lại các bạn phải cẩn thận trước khi muốn kết luận bởi vì những kết quả của một khảo sát sẽ chịu ảnh hưởng của phương pháp khảo sát được áp dụng, như cách đặt câu hỏi, các câu trả lời để lựa chọn, v.v. Đôi khi còn phải xem xét tính trung thực của người trả lời khảo sát, do có thể biến động vì nhiều lý do. Vì thế, kết quả của khảo sát chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi nhé.

Thành phần sinh viên được khảo sát

Bảng dưới đây giới thiệu mẫu sinh viên được khảo sát theo các ngành đào tạo (xếp theo thứ tự A,B,C ...) của Trường và số sinh viên đã trả lời cho phiếu khảo sát.

Ngành đào tạo

  SV khảo sát  

  SV trả lời  

% mẫu
(427 SV)

Công tác xã hội 23 9

2,1%

Điều dưỡng 43 28

6,6%

Hệ thống Thông tin Quản lý (HTTTQL) 6 4

0,9%

Kế toán 141 78

18,3%

Khoa học máy tính 21 16

3,8%

Ngôn ngữ Anh 57 36

8,4%

Ngôn ngữ Nhật 58 22

5,2%

Ngôn ngữ Trung Quốc 18 11

2,6%

Quản lý bệnh viện 5 4

0,9%

Quản trị kinh doanh 118 69

16,2%

Tài chính - Ngân hàng 201 117

27,4%

Truyền thông & Mạng Máy tính (TT&MMT) 7 3

0,7%

Toán ứng dụng 1 0

0%

Việt Nam học 35 15

3,5%

Y tế công cộng 21 15

3,5%

Tổng cộng

755

427

100%

Tỷ lệ sinh viên tham gia khảo sát đạt 56,6% là tương đối cao. Bảng trên cho thấy sinh viên của bốn ngành thuộc Khoa Kinh tế Quản lý chiếm trên 60% của mẫu sinh viên đã trả lời. Sinh viên tất cả các ngành có tỷ lệ trả lời cao (55% trở lên) trừ ngành Ngôn ngữ Nhật (37%), Công tác xã hội (39%), Việt Nam học (42%) và Truyền thông & Mạng Máy tính (42%). Chúng tôi không tính ngành Toán Ứng dụng do chỉ có 1 sinh viên trong danh sách được khảo sát cũng không có trả lời.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm theo các ngành

Biểu đồ sau đây giới thiệu tỷ lệ trong 427 sinh viên đã khai báo có tìm việc làm trong vòng 1 năm. Số trong ngoặc đơn ở các ngành là số lượng sinh viên đã trả lời cho cuộc khảo sát. Một năm sau khi tốt nghiệp, số sinh viên có việc làm là 400, đạt tỷ lệ chung cho các ngành là 93,7%. Số sinh viên khai báo không có việc làm là 27, trong số đó có 7 sinh viên khai báo là tiếp tục đi học.

Cần phải bổ sung thêm thông tin là trong 400 sinh viên đã khai báo có việc làm có 77 sinh viên còn tiếp tục đi học.

Biểu đồ sau đây giới thiệu tỷ lệ sinh viên đã có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp:

Như vậy, ngay trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp có đến 371 sinh viên, đạt tỷ lệ chung là 86,9%, đã tìm được việc làm. Trong đó nhiều ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm trên 95%, thậm chí 100%.

Tỷ lệ sinh viên khai báo ngành đào tạo là phù hợp

Bảng sau đây giới thiệu tỷ lệ sinh viên đã khai báo là lĩnh vực làm việc hiện tại của họ phù hợp với ngành được đào tạo:

Tỷ lệ trung bình các ngành đạt 67%. Tỷ lệ đạt cao nhất ở ngành Truyền thông và Mạng Máy tính, tuy nhiên số sinh viên tham gia khảo sát không lớn (chỉ có 3 sinh viên). Tỷ lệ khai báo phù hợp trên 90% ở 2 ngành ngôn ngữ Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi tỷ lệ ở Ngôn ngữ Anh đạt 66%. Chỉ có 4 ngành có sinh viên khai báo tỷ lệ phù hợp thấp hơn số trung bình là Việt Nam học, Tài chính Ngân hàng, Quản lý bệnh viện và Hệ thống Thông tin và Quản lý, nhưng số sinh viên ở 2 ngành cuối cùng này không nhiều trong khảo sát cho nên kết quả đó khó có thể đại diện cho tình hình thực tế.

Tỷ lệ sinh viên làm việc theo các khối

Biểu đồ tiếp theo cho thấy phần lớn sinh viên ra trường năm 2017 tìm được việc làm ở khối tư nhân là chính, đặc biệt ở các ngành thuộc 2 khoa Kinh tế Quản lý và Ngoại ngữ, trong khi sinh viên các ngành Công tác Xã hội và Y tế Công cộng có tỷ lệ tìm được việc trong các cơ quan của Nhà nước cao hơn.


Lương trung bình tháng theo các ngành


Lương trung bình tháng của 374 sinh viên các ngành đã trả lời cho khảo sát là 9,1 triệu đồng/tháng. Vậy có 5 ngành sinh viên đã khai báo lĩnh lương hàng tháng thấp hơn lương trung bình các ngành là ngành Kế toán, Y tế Công cộng, Công tác Xã hội, Quản lý Bệnh viện và Điều dưỡng. Lương trung bình sinh viên ngành Kế toán trong năm đầu sau khi ra trường khoảng 6,9 triệu đồng/tháng. Sinh viên trong các ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin khai báo mức lương cao nhất (16 - 17 triệu đồng/tháng) trong các ngành được khảo sát không phải là một điều ngạc nhiên do vai trò của công nghệ thông tin trong xã hội hiện đại. Hai ngành Việt Nam học và Ngôn ngữ Trung Quốc cũng khai báo mức lương cao (trên 14 triệu đồng/tháng) có phần nào liên quan đến yếu tố làm việc với nước ngoài nhưng cũng phải chú ý là số sinh viên trả lời khảo sát cũng không phải nhiều.

Để kết luận, chúng tôi thấy kết quả của khảo sát kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Trường Đại học Thăng Long, do Trung tâm VNU-CEA đã thực hiện mang lại một hình ảnh khá tích cực về chất lượng đào tạo và khả năng tuyển dụng của sinh viên đã tốt nghiệp ra trường năm 2017.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đọc nhiều